Campuchia – thiên đàng hay địa ngục?

Campuchia ư? Miễn bàn. Trong đầu tôi chưa bao giờ xuất hiện cái ‎‎ý nghĩ là phải đi du lịch Campuchia- một đất nước gì chỉ toàn là chùa chiền, đạo giáo, nghèo nàn, nắng cháy da. Nếu không có sự  sẵn tiện gia đình có người thân đi, sẵn tiện chi phí cũng tạm chấp nhận, sẵn tiện đi bụi mà vẫn được sự hỗ trợ tourguide địa phương từ một nhà hảo tâm, sẵn tiện nhân dịp lễ dài ngày, thì chắc tôi đã bỏ lỡ cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của Angkor hùng vĩ.

 

Hành trình tìm đến cái đẹp cũng thật là gian nan vất vả. Đi đúng vào dịp lễ nên khi đến cửa khẩu tôi bị mắc kẹt ở đó khá lâu vì lượng khách du lịch quá đông, chủ yếu là người Việt Nam. Trời nắng nóng kết hợp với hơi người, rồi sự mệt mỏi khi chờ đợi làm tôi hơi thất vọng về chuyến đi. Thoát ra được cửa khẩu để bước chân vào mảnh đất Campuchia, hình ảnh đầu tiên hiện ra trong mắt tôi là hàng loạt các sòng bài nhưng đa phần ở tầm vừa phải chứ không quy mô hoành tráng như ở Ma Cau. Tiếp đến là cuộc sống thường nhật của người dân với những căn nhà sàn đặc trưng. Điểm đặc biệt là tất cả các nhà sàn đều có thang đi lên đặt ở bên ngoài, không đặt trong nhà giống như ở Việt Nam. Thang thường được đặt ở giữa hoặc bên phải mặt tiền. Có một số nhà thì cầu thang đặt bên hông hoặc phía sau. Người Campuchia không thích tay trái. Họ cho rằng tay trái là cái tay dơ bẩn nhất. Có thể vì vậy mà khi làm cầu thang người ta cũng làm bên phải của ngôi nhà. Theo tôi được biết thì Campuchia là một đất nước nằm ở hạ nguồn sông Mê-kông, nên vào mùa nước lũ, nước từ Tây Tạng đổ về nhấn chìm phần lớn diện tích đất nước này… Tại Biển Hồ, người ta đo được, so với mực nước cuối mùa khô, đỉnh lũ có thể dâng lên cao đến 15 mét, cho nên tập quán cư trú trên nhà sàn là để tránh lũ. Ngoài ra, từ xa xưa cho đến bây giờ, đất nước Campuchia rất nhiều thú dữ và rắn độc. Người Khmer thờ rắn nhưng lại rất sợ rắn. Vào mùa nước nổi, rắn không có chỗ trú ngụ, phải bò lên chỗ của người ở. Thế nên người Campuchia cất nhà cọc vuông để tránh rắn bò lên cũng như tránh cá sấu và các loài thú dữ khác. Lí do sau cùng là ngôi nhà sàn vẫn còn hữu ích trong điều kiện làm ăn và thời tiết ở Campuchia. Người nông dân ở đây nuôi trâu bò rất nhiều. Họ không cần làm chuồng trại, khi chiều xuống là họ lùa trâu, bò về, cột cho nó nằm trong khoảng không gian rộng rãi dưới sàn nhà. Khoảng không đó cũng là nơi người nông dân nấu ăn, giăng võng nghỉ trưa. Chiều, họ mới lên nhà trên sàn để ngủ. Thời tiết ở Campuchia mùa khô rất nóng, có chỗ lên đến 47 độ C. Thế nên đa phần người nông dân kê giường dưới sàn nhà ngủ, vừa tránh được cái nóng ban trưa , vừa có thể lấy được một ít gió mát khi đêm đến.

 

Trong lúc ngồi trên xe quan sát quang cảnh, tôi phát hiện nhiều điều khá thú vị. Cứ cách khoảng 2 km là tôi lại thấy một ngôi chùa. Nhà ngươi dân thì nghèo nàn, rách nát vậy chứ nhưng chùa chiền thì rất đẹp, rất vương giả. Bao nhiêu đó thôi cũng thể hiện được sự sùng bái thần linh, tín ngưỡng trong lòng người dân. Ngoài ra nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy một điều hơi buồn cười ở chỗ: làn da của người Campuchia thì đen hơn người Việt Nam do khi hậu nóng khô trong khi trâu bò Campuchia thì ngược lại. Da của chúng lại sáng hơn trâu bò ở Việt Nam. Đây là một khám phá rất trâu bò của tôi, không phải ai cũng dễ dàng phát hiện ra đâu nhá.

 

Đúng 11h30 tối xe mới đến SiemRiep, mệt mỏi rả rời, cố lê cái mông ra khỏi cái xe. “Lạy trời con đã tới được đây, đừng ai rủ con đi Campuchia lần nữa !” – đó là suy nghĩ của tôi khi vừa bước xuống xe trong cái ngày đầu tiên đến Campuchia đen tối đó.

 

(còn tiếp…)

(nhà sàn)

Both comments and pings are currently closed.

Comments are closed.

Powered by WordPress | Designed by: Best SUV | Thanks to Toyota SUV, Ford SUV and Best Truck