Du hí thế giới “gốm”

 

Chỉ cần 10.000 VND, tôi có thể chạm tay vào đất sét, thỏa sức trải nghiệm cảm giác ‘vuốt -vẽ -nặn’ gốm tại làng gốm Bát Tràng cách Hà Nội khoảng 20km. Nhìn thấy các nghệ nhân làm gốm dễ dàng như thế nhưng khi trực tiếp làm thì mới thấy không phải tay ngang nào cũng có thể làm được. Ta phải dùng lực tay thật mạnh  xoay bàn xoay để tạo đà cho việc tạo hình đất sét. Sau đó phải nhẹ nhàng dùng ngón tay cái nhấn vào giữa cục đất sét tạo một khoảng không gian trống ở giữa. Tiếp đến dùng tất cả các ngón tay còn lại khéo léo vuốt thành bột tạo hình cho sản phẩm. Đừng tưởng bở, vuốt  một hồi cục đất sét ban đầu trong tay tôi cũng trở lại thành một cục như thuở nào. Nếu không có sự giúp sức của chuyên gia, chắc cái thành phẩm xấu xí của tôi  không thể nào hoàn thành. Hú vía! dù xấu xí nhưng ít ra tôi vẫn có thể tạo ra một tác phẩm có hình hài.

 

Để có được một sản phẩm gốm hoàn chỉnh thì cần rất nhiều công đoạn. Đại khái là khi xong giai đoạn tạo hình thì tới giai đoạn nung sơ bộ cho sản phẩm khô cứng lại trước khi vẽ vời trang trí màu sắc. Giai đoạn này mất khoảng 2-3 tiếng. Sau khi vẽ hoa văn xong, ta đem sản phẩm đi tráng men. Cuối cùng phải được nung tiếp trong lò thêm mấy ngày nữa  thì mới có được sản phẩm hoàn chỉnh với màu sắc sống động và men gốm bóng bẩy. Rất tiếc không có nhiều thời gian để chờ đợi nên tôi chỉ tạm dừng ở giai đoạn nung gốm sơ bộ và đem về nhà với một sản phẩm thô làm kỷ niệm. Dù thích thú với việc trải nghiệm tạo hình gốm và được chiêm ngắm các tuyệt tác gốm mang đậm phong cách Bát Tràng nơi đây, nhưng tôi  khá hụt hững khi tham quan làng gốm nổi tiếng này. Nó quá nhỏ và đã bị nửa tân thời so với trí tưởng tượng của tôi. Tất cả những gì tôi thấy là những sản phẩm gốm đang thương mại hóa và những hàng quán thức ăn lổn nhộn bên ngoài. Cảm giác mất đi cái tính chất “làng”, cái “truyền thống” vốn có nơi đây.

 

Ngoài ra, cái mà làm tôi phải liếc mắt đến là thức ăn lề đường mà họ bán nơi đây khá là giống nhau. Bên cạnh trứng gà và xúc xích nướng thì quán nào cũng bán một loại bánh dài, có cuốn lá bên ngoài trông rất lạ. Hỏi ra mới biết đó là bánh tẻ. Ăn hơi giống bánh giò nhưng bột thì dai và cứng hơn bánh giò và đươc làm từ gạo tẻ. Còn nhân là hỗn hợp thịt heo và nấm mèo. Lá cuốn bên ngoài là lá dong. Nhìn chung thì cũng tạm lấp được cái bao tử  dù  không lạ miệng lắm.

 

Rời làng gốm Bát Tràng mà trong lòng vẫn chưa thỏa mãn. Lạ một điều nơi làm tôi thỏa mãn lại là một cửa hàng gốm sứ  Thành Đồng trên đường đi Vịnh Hạ Long. Thành phẩm có, bán thành phẩm có, lò nung có, máy trộn đất sét có… Thật là mãn nhãn trong thế giới gốm! Chợt nhớ cái thời làm đề tài chiến dịch quảng cáo bộ sản phẩm  Chim Lạc cho gốm sứ Minh Long. Cũng lặn lội đi điều tra, nghiên cứu tận Bình Dương, cũng ngỡ ngàng, thích thú trong không gian gốm. Nghĩ mình cũng có duyên với “gốm”.

Gốm sứ Thành Đồng:

 

 

 

 

Gốm sứ Minh Long:

 

 

 

Both comments and pings are currently closed.

Comments are closed.

Powered by WordPress | Designed by: Best SUV | Thanks to Toyota SUV, Ford SUV and Best Truck