Đến chợ Đông Ba -Huế mới thấy một sự khác biệt rất lớn so với những chợ khác. Nổi bật là khu bán các loại mắm, cơ ngơi nào là mắm. Cụ thể là mắm loại gì thì mình không rõ nhưng theo phán đoán là có mắm tôm và mắm ruốc…Họ bày ra từng cái thao to đùng bày xếp lớp trước quầy hàng với màu sắc khá bắt mắt. Từ đỏ tươi đến tím nhạt tím lợt tím môn lãng mạn, rồi màu café sữa nhiều đến sữa ít, tiếp đến là nâu cách gián đến màu nâu tả bí lù thật là làm xốn cả con mắt. Nhìn nó mà cứ nghĩ giá như có được trái xoài ở đây thì tốt biết mấy!!!
Ngoài những quầy bán các loại mè xững, kẹo gương, trà cung đình nổi tiếng ở Huế, tôi bị thu hút bởi các xững sương sáo đen mượt và quả bồ kết. Lâu lắm mới thấy lại mấy trái bồ kết. Còn nhớ mấy chục năm về trước mình còn nấu trái này để gội đầu vài lần cho mướt và đen tóc. Đến nay cảnh tượng này ở Sài Gòn gần như tuyệt chủng. Quả đúng khi nói Huế chính là cái nôi của văn hóa Việt. Đã nói tới vụ tóc thì phải bàn đến dầu gội đầu. Dầu gội xưa và nay có những ưu điểm và khuyết điểm khá rõ. Ngày xưa gội đầu là không cần dùng dầu xã mà tóc vẫn cứ mướt, mà gàu cũng ít chỉ có điều chí thì không diệt được. Ngày nay thì ôi thôi gội đầu xong thì cái đầu khô như rơm rạ, không dùng kèm dầu xã là không được, gàu thì liên tục phát triển. Ưu điểm siêu việt là không có con chí nào có thể sống sót được với chất tẩy rửa siêu hạn của dầu gội đầu ngày nay.
Dạo quanh chợ, hàng quán ăn uống cũng nhiều. Thật ra thức ăn nhìn sơ sơ không hấp dẫn lắm. Vì mấy món như nậm bèo lọc, bún bò Huế thì ở Sài Gòn cũng không thiếu, khẩu vị lại vừa ăn hơn. Nhưng chính cái nồi cũ kĩ là lạ cúa cái quán ngay góc đã hấp dẫn ánh mắt tò mò của tôi. Cô chủ quán bảo đây là cái nồi mà mẹ em đã bán 30 năm nay và truyền lại cho em bán tiếp. Nghe mà choáng về tính kế thừa và bảo tồn xứ Huế.
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao lại có câu hát” Ôi Huế của ta. Ta có Huế tự hào…”. Có lẽ không nơi đâu lưu giữ nét đẹp truyền thống của người Việt Nam bằng Huế. Bạn muốn biết hương vị Việt Nam cứ đến chợ Đông Ba.