Gã sở khanh Toast Art

Không thể tin được tất cả tác phẩm này đều làm từ những lát sandwich nướng. Đẹp lạ! Nướng bánh mì khét đen kiểu này thì chắc không thể xơi múi gì được. Bánh mì bơ, bánh mì jambon, bánh mì kẹp thịt… cũng tan theo mây khói. Thấu hiểu một chân lý  làm nghệ thuật thì chỉ được cái no mắt chứ không thể làm hài lòng dạ dày ta.  Buồn thay cái nghệ thuật ‘Toast Art’ này! Hắn cố tình quyến rũ và làm cho ta rung động. Rồi sau đó nhẹ nhàng bảo rằng “chúng ta không thể đến được bên nhau”. Sở khanh không gì bằng. Ôi đây là một cái thứ tình gì khiến ta phải ray rứt tiếc nuối? Ta không khóc như một kẻ si tình yếu đuối. Nước mắt chỉ làm con tim ta mềm yếu. Ta không oán trách người ơi. Đời là thế. Chỉ thấy tội cho hắn – một vẻ đẹp không xài được.

 

 

Ai đã giết bánh mì Brioche?

Kỷ niệm nhỏ vui vui về chiếc bánh mì Brioche này. Số là toàn dân a-ma-tơ làm bánh nên khi  tới  giai đoạn ủ bánh thì các chị em vẫn ung dung đun sôi nước 1000C như  nước uống bình thường rồi hỉ hả chờ đợi bánh ủ xong. 1 tiếng 30 phút trôi qua trong sự phấn khởi, vỉ bánh được đem ra khỏi lò ủ trong tình trạng xập xệ chết men và chảy bơ.

Bánh mì Brioche đã chết trong sự ngỡ ngàng  tiếc thương đầy xúc cảm trong lòng mọi người. Mấy chị em mắt chữ O, miệng chữ U méo xẹo  không biết chuyện gì đang xảy ra. Ai đã gây ra cái chết thương tâm này? Theo điều tra sơ bộ thì không ai có động cơ chính đáng cho hành động giết bánh tàn nhẫn này.  Chị nào cũng khẳng định mình làm đúng theo công thức và hoàn toàn vô tội.

Nghi phạm thứ 1: người cân nguyên liệu, Dung, 50 tuổi, nội trợ.

- Thám tử: Chị có cân đo đúng trọng lượng như công thức không chị Dung?

- Nghi phạm 1: Trời ơi,  chị mày đã có kinh nghiệm làm bánh bao nhiêu năm rồi. Dù có sơ suất thì tệ lắm là bánh ăn không ngon thôi chứ chắc chắn không có tình trạng chết men như vậy.

Nghi phạm thứ 2: người đánh bánh, Hương, 40 tuổi, kinh doanh

-Thám tử: Chị Hương, chị có vô tình đánh bột quá độ không?

-Nghi phạm 2: Xin lỗi à, khi đánh bột  xong chị còn đem cục bột ra trình diễn cho mọi người  thấy độ dai mịn của bột. Cho nên sai phạm không nằm trong khâu của chị

Nghi phạm thứ 3: người cân bánh, se tròn bột, Tuyền, 28 tuổi , NVVP

-Thám tử: Tuyền, tay chị có rửa sạch sẽ khi se tròn bột không vậy?

-Nghi phạm 3: Nói cái này là đụng chạm tự ái à nghen. Mình còn dùng Lifeboy diệt khuẩn nữa à.

Các nghi phạm có vẻ đều khai báo với thái độ hợp tác và thành thật. Đương nhiên, ai cũng thừa hiểu không tội phạm nào lại thừa nhận mình có tội. Song còn có một khả năng nữa là tội phạm vẫn không biết mình gây ra sai phạm.  Lần theo manh mối  khác, một phát hiện mang tính quyết định truy lùng ra hung thủ giấu mặt đã được phơi bày dưới ánh sáng công lý.

- Nghi phạm 1: sao tự nhiên nhiệt độ trong  lò ủ bánh nóng quá vậy? Ai nấu nước sôi ủ bánh? Nước sôi ủ bánh không được nấu quá sôi có biết không? Hèn gì mà bánh chết men, còn bơ thì chảy te rẹt hết trơn.

Đám đông nhốn nháo, la ó tìm nghi phạm nấu nước sôi. Có vẻ dần dần hiểu rõ chân tướng, một giọng nói yếu ớt thì thào lẫn trong đám đông  thú nhận:

-Dạ, em nấu nước sôi

-Nghi phạm 2: Em là ai giơ tay lên coi?

Một cánh tay rụt rè đưa lên

-Dạ em, thám tử Happy Egg.

Có tiếng cười khúc khích, chọc quê:

-Nghi phạm 3: Trước khi bà nấu nước sôi, bà có rửa tay chưa vậy?

- Thám tử: (cứng họng)

…………….

Theo lịch sử phá án của thám tử Happy Egg, đây là vụ án tàn nhẫn nhất và quê chưa từng thấy. Thám tử trở thành tội phạm. Nghi phạm lại  trở thành kẻ tố giác. Đời trớ truê như thế đấy! Dẫu sao, cái chết của chiếc bánh mì Brioche đem lại một bài học quý giá cho các chị em cho nên  thám tử Happy Egg  được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

P/S: Bánh được làm lại một lần nữa và thành công mỹ mãn. Bánh ăn thơm bơ và khá ngon.

 

+ Nguyên liệu

-Bột mì (số 11) 500g, muối 7g, men lạt 15g, phụ gia 3 g, bơ 200-250g, trứng gà 3 -4 quả, đường 100g

+ Thực hiện

-Trộn bột mì+ muối+ đường+phụ gia+men lại với nhau. Sau đó tiếp tục cho trứng gà và bơ còn độ dẻo lạnh vào.

- Bỏ hỗn hợp vào máy đánh bột đánh số 1 khoảng 1 phút-> tiếp tục tăng tốc độ lên số 2 đánh tứ 10-15 phút. Nếu thích bỏ trái cây khô vào thì bỏ vào máy rồi đánh thêm một chút để trộn đều. Lượng trái cây khô =1/10 lượng bôt mì và phải ngâm nước trước cho mềm.

- Bột đã đánh dai mịn thì lấy ra để nghỉ 10 phút ở nơi kín gió

- Cân bột mỗi bánh khoảng 40-45g. Khuôn tart nhỏ phết bơ trước. Bột se tròn, dùng tay lận các đầu mối bột xuống dưới rồi đặt vào khuôn tart. Đề vào lò ủ từ 1h-1h30 cho bột nở lên gấp đôi. Trong quá trình ủ phải để thau nước sôi 300C-500C ở ngăn dưới. Lúc ủ nếu thấy mặt bánh khô thì xịt nước vào

- Bột ủ xong đem ra phết trứng, rắc đường cát lên mặt. Cắt chữ thập lên mặt bánh-> đem nướng ở t0 1500C, TG khoảng 15’

(WWW.GIFTDEP.COM- Shop quà tặng, đồ gia dụng online cực xinh)

Bonjour Bà Nà Hills !

Đáp chuyến bay đến Pháp vào một ngày đẹp trời, tui ghé thăm một ngôi làng kiến trúc cổ vào thế kỷ XX ẩn mình trong khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ . Rồi tui sảng khoái ngồi lắc đùi nhâm nhi vài ly rượu vang tuyệt hảo trong hầm chứa rượu của các sĩ quan Pháp. Mấy chả còn vui vẻ tặng tui vài chai đem về uống chơi. Khoái quá, tui cười toét cả cái miệng rồi giật mình tỉnh giấc mới biết mình vẫn còn ở Việt Nam. Hóa ra tui bị Bà Nà hills nhuộm đầy chất Pháp ấy nhập vào mình từ khi nào mà không hay.

Cái cảm giác lơ lững trên cái cáp treo Bà Nà một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) vẫn còn ám lấy tui. Chưa thấy cái cáp treo nào mà đi hoài vẫn không tới đỉnh núi. Thời gian đi từ ga đi đến ga đến khoảng chừng 15 phút chứ chẳng chơi. Vừa kích thích với cảm giác phiêu lưu; vừa thích thú với phong cảnh xanh tươi của rừng nguyên sinh thiên nhiên; vừa mát mắt với vẻ sống động uốn lượn của thác Tóc Tiên; lại vừa hồi hộp khi nhìn thấy độ sâu thăm thẳm từ trên xuống, đó là thứ cảm giác hỗn mang rất khó tả. Lên tới đỉnh, đập vào mắt tui là khu làng Pháp nổi bật những căn nhà cổ  đẹp như trong các câu chuyện cổ tích. Du khách xôn xao tấp nập qua lại; Fantansy park ồn ào náo nhiệt với nhiều trò chơi hấp dẫn; đến những màn ảo thuật, xiếc thú hào hứng, tất cả dường như rất sinh động đầy màu sắc nhưng vẫn không đủ sức che lấp được vẻ đẹp bình dị, kiên cố và cổ xưa của kiến trúc nơi đây.

Muốn di chuyển từ khu Morin sang khu Debay thì phải tiếp tục đi bằng cáp treo. Hệ thống cáp treo khủng này thật khiến cho người ta cảm thấy đáng đồng tiền bát gạo khi phải chi ra 400,000 VND/người để lên núi. Sang đây, tui có dịp chè chén rượu vang trong hầm rượu Pháp được đào xuyên qua lòng núi với nhiệt độ lý tưởng 16 – 20oC, thăm quan chùa Linh Ứng với tượng Phật cao chót vót, dạo bước trong vườn Tịnh Tâm và chiêm ngưỡng khu nhà cổ. Với không khí lành lạnh trên đỉnh núi như thế này thì càng đi càng thích; càng hít thở được không khí  trong lành của thiên nhiên càng thấy nơi đây không giống nơi ta sống. Đây không phải là tiên cảnh, nơi ta sống cũng không phải trần gian. Tiên cảnh sao lại vui? Trần gian nào có buồn?

Trần gian nơi nào? Tiên cảnh ở đâu? Nó tại trong lòng người trong từng khoảnh khắc. Dù trần gian hay tiên cảnh thì đến với Bà Nà Hills Đà Nẵng, chúng ta cảm nhận ngay được sự khác biệt đến mức phải khao khát được sống nơi kiến trúc cổ ấy, được hít thở, được chiều chuộng trong thiên nhiên nguyên sơ tươi đẹp. Hoa đào chuông rung rinh trước gió khẽ vẫy gọi. Bonjour Bà Nà Hills!

(Cáp treo)

(Khu làng Pháp)

(Fantasy park)

(Khu ẩm thực)

(Hầm rượu Pháp)

(Chùa Linh Ứng)

 

 

Sushi story

Mưa. Trời sao u ám làm ta liên tưởng mông lung, hồi tưởng dòng thời gian, rồi nhìn đời hiu quạnh. Ngồi đàn lẳn tẳn cho lòng vơi đi. Ai mà biết cái  thú vui tao nhã tự tra tấn lỗ tai  ta và thiên hạ ấy vậy mà lại hay. Chính lúc đó ta tạm tự hào vì biết quánh được mấy cái nốt nhạc đơn giản. Lòng không vơi mà cứ cồn cào, cồn cào. Miếng sushi bắt đầu lởn vởn trong đầu. Đồ.. rê… mi… fa…sol…la…si…đố…giờ lại giở trò biến tấu thành sushồ…sushê…sushi…susha…sushol…sushố. Tập rồi lại quên, lại tập, rồi lại quên. Oh, my God! Sao bản nhạc “love story”của Francis Lai thành “sushi story” thế này?  Haiz! Chỉ mình ta mới hiểu vì sao mãi ta vẫn chỉ đàn lẳn tẳn.

“Biết dùng lời rất khó
Để mà nói rõ…
ôi biết nói gì Cuộc tình lớn quá!
Chuyện tình đáng nhớ tuy cũ nhưng là biển già trắng xóa
Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà chàng giành cho ta
Ôi biết nói gì?

Với một lời quý mến
Mà chàng nói đến khi bước chân vào cuộc đời vắng ngắt…
Cuôc tình thứ nhất, muôn kiếp muôn đời là tình vĩnh viễn…
Vì chàng đã hiến đôi cánh tay mềm nghìn đời quyến luyến… Lòng ta đầy kín!

Lòng ta đầy kín

……….”

+ Nguyên liệu

-1kg nếp ngỗng, 200g lạp xưởng,1 củ cà rốt, 1 củ cải, 3 quả trứng, 200g đậu que, 200g jambon, 10 thanh cua, 100g mè trắng, 50g hành phi, 10 lá rong biển, nước tương, tương ớt, ngò tây, cà chua trang trí.

+ Thực hiện

*Nấu xôi

-Nếp vo sạch, ngâm nước (4 nước sôi + 1 nước lạnh) trong 30 phút, có đậy nắp, 10 phút khuấy 1 lần. Xửng nước sôi, bỏ nếp vào, phủ lá dứa hấp chín khoảng 45 phút. Trong quá trình hấp thỉnh thoảng chan nước và khuấy đều

-Xôi chín thì đổ xôi ra mâm, trộn 1 mcf muối, hành phi và 1 ít dầu của mỡ hành

*Nhân

-Cà rốt, củ cải cắt sợi cỡ chiếc đũa theo chiều dài củ, xốc muối để 10 phút, ngâm giấm đường ( tỉ lệ là 1 đường+ 2  giấm pha loãng). Củ cải ngâm thêm vài giọt màu vàng.

-Trứng gà+ ½ mcf hạt nêm+ ½ mcf tiêu rồi đánh tan, chiên mỏng

-Đậu que luộc chín, xả nguội

-Mè trắng, rửa sạch, để ráo, rang vàng

-1 ít hành lá làm mỡ hành

*Tạo hình

-Trải lá rong biển đầu nhám quay lên trên, cho xôi lên mặt dàn mỏng, phủ kín ¾ diện tích lá rong, xếp nhân, cuộn tròn. Thoa nước rìa lá dán lại, cắt thành khoanh tròn, chấm với nước tương hoặc tương ớt.

 

Đến Gia Lai, phải lai rai

Không nơi nào khác mà chính là vùng cao nguyên Gia Lai lại gắn liền với truyền thuyết ghê rợn ma lai rút ruột. Theo người Bana, Jarai thì ma lai là một thứ ma không có hình thù cố định, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật. Những câu chuyện khủng khiếp được  rỉ rả truyền tai nhau nghe mà rợn cả tóc gáy. Ma lai ở Gia Lai có thật hay không thì xin thưa là tui mù tịt nhưng chắc chắn một điều ai muốn lai rai thì phải đến Gia Lai.

Đầu tiên phải bàn đến món vịt cỏ nướng đặc sắc nơi đây. Thịt vịt thật săn chắc không hề bị hôi mùi vịt. Lớp da liền sát với lớp thịt chẳng dư thừa một tí mỡ nào. Nói thiệt là tui chưa bao giờ thích ăn thịt vịt dù bất kỳ hình thức nào: cháo vịt, vịt kho gừng, vịt quay, bánh xèo thịt vịt…chỉ vì cái mùi vịt khó ngửi ấy.  Thậm chí ngay cả vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng giòn thơm cũng còn hôi mùi vịt và mỡ thì tươm ra bóng loáng. Nhưng tui phải cúi đầu ngã mũ trước món vịt này. Gia vị nêm nếm thấm đều vào từng thớ thịt vừa ăn hết biết. Họ rắc thêm một ít mè rang lên đĩa làm thịt vịt nhìn hấp dẫn và thơm ngon hơn.

Kế tiếp nên kể đến món thịt rừng dành cho các anh thích nâng cốc, nâng ly.  Sơ sơ có thể liệt kê một số món như là lẩu nhím nhúng lá tí tô, dúi hấp lá mơ, dúi nấu mẻ, heo rừng nướng…Tình hình là tui ớn ăn mấy con này lắm nên cắn răng ăn thử một đũa cho biết với thiên hạ nhưng miễn bình luận khen chê. Ngoài ra có một món đáng lưu tâm là món rau rừng chấm mắm cua đồng. Nước chấm ăn lạ miệng, thơm mùi cua chấm với rau rất ngon miệng. Gì thì gì nhưng nước chấm chính là cái rốn của vũ trụ đấy. Đừng có mà khinh thường.

(Lẩu nhím nhúng lá tí tô kết hợp với giá, xã, ớt chuộng, đậu hũ trắng)

(Dúi hấp lá mơ ăn cùng mắm tôm)

(Dúi nấu mẻ có với đậu hũ chiên, nấm mèo, ớt chuông, bắp non ăn cùng với mì căng, tí tô, lá lốt và bánh mì)

(Heo rừng nướng kim chi)

(Rau rừng chấm mắm cua đồng)

 

 

 

 

 

 

 

Giang hồ đồn đại, Gia Lai nổi tiếng với món phở khô nên tranh thủ tờ mờ sáng tui lặn lội ra chợ kiếm ăn. Ái dà, cũng tàm tạm thôi hà! Gọi là phở nhưng thật ra theo tui thì không đúng lắm. Thịt bằm cũng là thịt heo, nấu nước lèo cũng  bằng xương heo, chỉ được vài lát thịt bò trên mặt cho có vẻ là phở. Chủ quán bảo họ không nấu nước với xương bò vì sợ hôi mùi bò (Ặc ặc…). Sợ cũng phải vì họ không nêm nếm phở bằng các gia vị đặc trưng của món này như ngũ vị hương, thảo quả, quế, đại hồi, tiểu hồi…nên không thể át đi mùi bò. Điều làm tui ngạc nhiên là nước sốt thì  làm từ  tương đậu đen. Quá đơn giản so với những gì tui trông đợi.

Không những Gia Lai hấp dẫn bởi các món ăn đặc trưng của vùng cao nguyên mà thức uống nơi đây cũng đáng gờm không kém. Thử thưởng thức trà cung đình trứ danh với tập hợp các vị thuốc rất tốt cho sức khoẻ như câu kỷ tử, đại táo, hoài sơn, nhãn nhục, vối nụ…nhâm nhi cùng với bánh đậu xanh nhân dừa thật là một khám phá mới mẻ. Tưởng trà cung đình chỉ có ở Huế nào ngờ cung đình cũng dời kinh lên tận Gia Lai. Không phải ai cũng yêu thích loại trà này vì vị của nó khá là khó uống. Nhưng tối uống một ly thì sáng ngủ dậy thấy da mặt mình mượt mà hẳn ra. Thế mới thích chứ.

Đến nước này thì dù Gia Lai có ma lai thì tui cũng đi. Biển hồ thơ mộng bình yên cứ nhìn tui trìu mến. Thuỷ điện Yaly hùng vĩ đang vẫy gọi không ngừng. Ngồi lai rai cùng với biển hồ rừng thiêng thật là đỉnh đỉnh đỉnh.

(Biển hồ)

(Thuỷ điện Yaly)

(Chùa Minh Thành)

 

 

 

 

 

 

 

(Điêu khắc gỗ)

 

 

 

 

 

 

 

Powered by WordPress | Designed by: Best SUV | Thanks to Toyota SUV, Ford SUV and Best Truck