Bánh mì Baguette

Bài này xin dành cho một người bạn của tôi ở Kiên Giang.  Hi vọng bánh mì Baguette có nguồn gốc từ  Pháp này đúng là loại bánh mì mà bạn đang cần công thức. Bánh giòn, thơm bơ, ăn nóng là số dách. Sẽ không hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên nhưng rồi bạn sẽ làm được. Chúc bạn thành công !

+ Nguyên liệu

- 1kg bột mì số 11, 12g men nâu, 10 g phụ gia lạt, 10g muối, 650g nước đá lạnh, 2 viên vitamin C, 1 ít bơ để chạy chỉ

 

+ Thực hiện

- Trộn lần 1: bột mì + men + phụ gia lạt + vitamin C cà nhuyễn (viên màu trắng – Acid Ascorbid)

- Trộn lần 2: thêm muối  + 50g bơ ( không có bơ cũng được nhưng nếu có bơ thì phải bớt ra 20g nước)

- Nhồi bột bằng máy: cho nước lạnh vào nhồi dai, mịn, kéo ra thấy một lớp màn mỏng là được.

- Nghỉ lần 1: đậy kín khối bột cho vào ngăn mát tủ lạnh nghỉ 15 phút

- Nghỉ lần 2: Chia khối bột thành 2-3 phần, vo tròn, phủ khăn, để ở nhiệt độ phòng 30  phút

- Tạo hình:

  • Chia bột thành  từng viên từ 180-240g (tùy theo khuôn). Cán thành hcn, phun 1 lớp nước mỏng rồi cuộn thành ống tròn, vừa cuộn vừa nhấn, cho cuộn bánh dính xuống phần bột phía dưới.
  • Bột chặt mí thì dùng 2 tay lăn đều cho bánh dài bằng khuôn. Đè mạnh 2 đầu lăn đều cho nhỏ, xếp lên khay baguette có thoa bơ, phủ bột.

- Ủ: cho bánh vào nơi kín gió, ủ từ 20-30 phút

- Nướng bánh: Bánh ủ nở dùng dao lam rạch 4-5 lát xéo trên mặt bánh. Quét lòng trắng trên mặt. Sau đó chạy chỉ bơ mềm vào vết cắt. Cho vào lò nướng 180-200 0C. Thời gian 15-20 phút.

Lưu ý‎: Trước và trong quá trình nướng  cần phun nướng lên mặt bánh

 

Khi tai tượng trả thù

 

Cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng rau sống, chấm nước mắm chua ngọt là đặc sản ngon tuyệt của miền Tây Nam Bộ. Ấy vậy mà mỗi lần nhắc đến món này là tôi lại sởn gai óc. Số là có người bà con cho nhà tôi một con cá tai tượng còn sống tầm khoảng 2 kg. Vì không dám giết nên tôi đã nhờ một người khác sát sinh dùm. Mặc dù đã được làm sạch sẽ nhưng 15’ trôi qua, rồi nửa tiếng trôi qua, rồi 1 tiếng qua đi, tôi vẫn thấy chú cá thoi thóm thở và giẫy giụa liên hồi mỗi khi tôi chạm đến. Tiếp tục chờ đợi hoài thì không được nên tôi phải dùng chày đập vào đầu cá để em ấy có thể ra đi một cách nhanh chóng. Thế là sau nhiều lần cố đập như thế thì 15’ sau, tôi có thể an tâm đem cá bỏ vào chảo ngập dầu chiên. Một món ăn thơm giòn, hấp dẫn đã được hoàn thành với đầy đủ các món ăn chơi kèm theo. Ba tôi ăn trông có vẻ ngon miệng, tấm tắc khen lấy khen để  nhưng chẳng hiểu tại sao tôi không cảm thấy ngon gì cả. Ngày hôm sau, tôi phát bệnh. Bệnh kéo dài độ khoảng một tuần và cũng trải qua đau đớn tựa như sự đau đớn mà con cá đã trải qua. Một sự trùng hợp đến mức phải hoảng sợ. Phải chăng đó là luật nhân quả? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh trong đầu tôi.

Chợ Bắc Hà

 

Mất gần 2 tiếng rưỡi đi từ SaPa xuống chợ Bắc Hà – một chợ phiên mang đậm nét đặc trưng của dân tộc vùng cao, chỉ họp mỗi tuần một phiên vào ngày Chủ nhật. Chợ nổi bật không những với các hàng hóa thổ cẩm sặc sỡ, nhiều màu sắc mà đặc biệt bắt mắt với những bộ váy áo hoa hòe rằn ri của người dân tộc nơi đây. Trong vô số các khu chợ nhỏ như chợ thực phẩm, chợ gia cầm, chợ thổ cẩm…, tôi thích nhất là khu chợ trâu và chợ ngựa vì những thứ linh tinh khác có thể tìm thấy ở những nơi khác nhưng trâu và ngựa không phải ở đâu cũng dễ dàng thấy cái chợ như vậy.

 

Bản thân tôi luôn ước ao có thể được cưỡi trên lưng chú ngựa khỏe mạnh, tuấn tú, phi trên một vùng thảo nguyên xanh ngát, đầy hương hoa. Thế nhưng khi nhìn mấy chú ngựa ở đây thì giấc mơ ấy vội đóng lại. Con nào con nấy đều gầy  trơ xương. Thật là tội nghiệp cho những chàng bạch mã của tôi! Đã vậy người dân ở đây lại có thú ăn thịt ngựa mà họ hay gọi món này là thắng cố. Nhìn cái chảo trên bếp than rực hồng mà họ nấu thịt ngựa thì có thể đoán mức độ dai nhách của loại thịt này. Ấy vậy mà quán cứ đông tấp nập.

 

(Thắng cố)

Cả ngay  cái quán  thịt lơn bản, gà đen mà tôi bị lừa vào ăn cũng đông đúc không kém. Không hiểu khẩu vị của người dân nơi đây ra sao nhưng quả thật tôi “không cảm” được. Món của họ cũng đơn giản cực kỳ; gà và heo đều luộc, cắt từng miếng thịt nhỏ,  xong bỏ vào tô nước thịt luộc với đầy hành lá, vừa ăn vừa nhâm nhi với rượu ngô. Tay tài xế ma mãnh bảo ăn ở quán này là đúng quán người dân tộc, bảo đảm vừa ngon, vừa rẻ. Thế là lão chèo kéo chúng tôi vào quán này cho bằng được, rồi tự động kêu món, kêu rượu, tự động ăn, tự động uống, tự động mời mọc. Tưởng là thân tình hóa ra là lừa tình. Người trả tiền thì không thấy vui vẻ gì còn lão thì mặt mày hớn hở vì ăn uống no say mà còn được chủ quán tặng cho một chai rượu ngô. Những điều nhỏ nhặt ấy cũng tạm bỏ qua. Cái sai của lão là tài xế chở khách mà vô tư uống rượu làm tụi này muốn thót tim.

Tức người mà thơ tự động “văng ra”:

“Chưa đi chưa biết chợ phiên

Đi rồi mới biết lòng người nghiêng nghiêng”

 

Một số hình ảnh khác tại chợ Bắc Hà:

 

 

(Bánh rán gấc, ăn hơi giống bánh cam)

Blue Lagoon

 

Không biết vô tình hay cố ‎ý mà món Cocktail này lại có tên giống như một bộ phim tình cảm, lãng mạn, phiêu lưu của Mỹ vào năm 1980 “The Blue Lagoon”. Kể về 2 đứa bé bị trôi dạt vào một hòn đảo thiên đường ở Nam Thái Bình Dương. Không có sự giáo dục về kiến thức xã hội, giới tính, sự thay đổi về cơ thể đang độ tuổi dậy thì khi chúng rơi vào tình yêu, phải tự khám bản thân và trải nghiệm tình dục. Cả không gian bộ phim ngập tràn màu xanh của biển. Màu xanh của sự khám phá, trải nghiệm; của tình yêu, đam mê; của sự thuần khiết, chân thật.

Có lẽ vì thế mà ly Cocktail Blue Lagoon này đã hút hồn tôi ngay từ ánh mắt đầu tiên. Khi nhìn  màu xanh biển ấy, tôi chỉ khao khát được khám phá vẻ đẹp tươi mát ấy ngay lập tức. Một chút đắng của Vodka, một ít tinh mùi cam của Blue curacao, một tí chua của chanh kết hợp với vị tê tê đầu lưỡi 7 up cùng đá viên đã tạo nên một hỗn hợp thức uống  thật đặc sắc và sảng khoái vô cùng. Tôi chỉ ước được vẫy vùng, được thỏa sức bơi lội trong làn nước biển xanh mênh mang ấy và mơ về một hòn đảo thiên đường – Blue Lagoon.

 

+ Nguyên liệu

40 ml Vodka, 15-20ml Blue Curacao, 5 giọt chanh, 7 up ướp lạnh, đá viên

+Pha chế

Cho rượu Vodka, rượu mùi Blue curacao, chanh vào trong ly. Cho đá vào trong ly và rót đầy 7 up vào.

Tràng An mỹ cảnh – Dê núi mỹ thực

 

Khu du lịch Tràng An – Ninh Bình cách cố đô Hoa Lư không xa là một vùng non nước trữ tình. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một bức tranh thủy mặc. Ôi! Giang sơn Cẩm Tú!

Mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện.Tĩnh mà như động. Động mà như tĩnh. Không nơi đâu lại thấy nhiều rong riêu như ở đây. Hắn kiêu hãnh vươn mình từ dưới đáy hồ sâu tấn công vào cả đáy thuyền nghe lách tách như cảnh báo rằng đây là địa bàn của hắn. Nhưng con thuyền du khách nào có nao núng vẫn đang lướt qua những dãy núi trùng trùng điệp điệp, rẽ sóng nước lăn tăn, lả lơi cùng rong riêu. Và tôi… như đang lướt cùng vẻ đẹp ấy.

Nơi đây có rất nhiều hồ đầm nước được nối thông bởi các hang động. Đối lập với vẻ đẹp đê mê của sông núi hữu tình bên ngoài thì bên trong hang động lại mang  một sự cám dỗ  bí ẩn, kích thích khám phá. Mỗi khi vào hang động lại có cảm giác lạ thường, tựa như đang tham gia vào cuộc phiêu lưu kì thú. Cứ tưởng tượng thuyền sẽ bị kẹt ở trong hang không thể ra được vì hang vừa tối, vừa thấp hoặc giả nơi đây là hang của cá sấu khổng lồ và rất  nhiều mối đe dọa  khác trong bóng tối đang rình rập con mồi. Tôi luôn ngồi ở trong tư thế ngồi mà cúi mộp đầu xuống thuyền, không thể ngẩng đầu cao vì chỉ cần sơ xẩy một chút là đầu có thể đổ máu vì va phải các nhũ đá nhấp nhô, sắt nhọn trong hang. Mỗi hang mỗi vẻ đặc trưng với nhiều tên gọi khác nhau như hang tối, hang sáng, hang địa linh…. Có những hang thì tối thăm thẳm, lòng hang rộng hẹp, biến đổi bất ngờ. Có những hang thì gió lùa mát lạnh, lòng hang rộng thoáng.

Sau khi đã vào 3 hang động và ra 7 hang động để kết thúc cuộc hành trình du ngoạn trên hồ thì xa xa trên triền núi, trên các tảng đá chênh vênh, tôi đã gặp”chàng”. Vẫn dáng vẻ phong lưu ấy nhưng oai vệ và đậm chất “núi”. Nhìn chàng mà lòng tôi “thèm khát”…Be…be…Đã tới Ninh Bình thì dứt khoát phải thưởng thức món dê núi để biết mỹ thực dân gian là như thế nào. Ăn thịt dê ở đây thì khỏi sợ bị pha thịt bò như ở Sài Gòn. Đúng là dê 100%. Cơm cháy sốt dê là món không nên bỏ qua. Cơm cháy giòn tan chấm với sốt dê lạ miệng đúng là vị rất đặc biệt, không tìm thấy ở nơi khác. Ngoài ra, thịt dê nướng ở đây không chấm chao như ở trong Nam mà chấm với nước tương gừng nổi tiếng một vùng.

“Tái dê chấm với tương gừng

Ăn xong lại thấy phừng phừng như dê”

(Trái sung và tương gừng ăn kèm với nầm dê nướng)

(Nầm dê nướng)

(Cơm cháy sốt dê )                                                                   (Dê xào lăn)

Biết bao giờ ta có dịp quay trở lại nơi đây. Khoảnh khắc này ta xin giữ mãi cho riêng mình. Tràng An, mộng đẹp giữa đời thực!

 

 

Powered by WordPress | Designed by: Best SUV | Thanks to Toyota SUV, Ford SUV and Best Truck