Bánh Pâté Chaud

 

Đặc điểm nổi bật của bánh Patesô này là rất nhiều lớp, thơm bơ và có nhân thịt heo (hoặc thịt gà, thịt bò). Nhưng cũng chính vì thế mà công đoạn tạo lớp cũng rất mất thời gian. Ăn một cái bánh chưa mất tới 2 phút mà làm thì gần 2 tiếng mới xong. Thế mới biết làm bánh phải đâu chuyện đùa.

May mắn, tôi có cơ hội được học bánh này ở 2 người thầy khác nhau. Nhìn chung thì công thức không có gì khác biệt cho lắm nhưng một người thì thành phẩm bánh rất đẹp thì ăn không ngon, còn một người bánh nở bung toe toét nhìn không hoàn hảo lắm nhưng lại ăn rất ngon. Dù học 2 lần bánh với nhân khác nhau ở cùng người thầy này và tương tự cho người thầy kia thì kết quả cũng y hệt như vậy. Đó không phải là ngẫu nhiên mà là bí kíp riêng và quan điểm của họ có một chút khác nhau. Người làm bánh ngon thì vẫn ăn ngon. Người làm bánh đẹp thì vẫn đẹp.

Mọi thứ trên đời không có gì là hoàn hảo. Được cái này thì mất cái kia. Tôi không phải người quá cầu toàn và tham lam. Tôi chỉ thích ăn ngon nên tôi thích thầy làm bánh ngon dù rằng bánh không đẹp mắt.

 

+ Nguyên liệu

Vỏ: 500g bột mì số 11, 50g bơ, 250g nước, ½ muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê đường, 250g magarine

Nhân: 200g thịt nạc dăm, 1củ hành tây nhỏ, 200g củ sắn, hành tỏi băm, 1 lòng đỏ trứng, hành tím phi, 2 muỗng súp bột mì, 2 muỗng súp dầu ăn, tiêu sọ, 100g paté

 

+ Thực hiện

Vỏ bánh

- Bột mì + muối + đường + bơ trộn cho tơi đều, cho nước vào nhồi đều. Cho vào túi nylong cán mỏng. Cho vào tủ lạnh 15’-> lấy ra cán theo quy trình sau:

Bước 1: Cán bột dài gấp đôi magarine. Đặt magarine vào giữa, xếp lại ấn chặt các mí cán dài và rộng ra. Xếp làm 3 hoặc làm 4 cho vào ngăn mát tủ lạnh 15’

Bước 2: Cán dài và rộng ra, xếp làm 3 hoặc làm 4. Cho vào ngăn mát tủ lạnh 15’

Bước 3: Tương tư bước 2

Bước 4: Cán bột dài và rộng ra xếp làm 4. Cán tiếp cho độ dày 4 mm, dùng khuôn bánh pate chauds tròn, có răng cưa cắt thành nhiều miếng bột.

Nhân bánh

- Thịt nạc dăm băm nhuyễn ướp 2 mcf hạt nêm, 1 mcf đường, 2 mcf dầu ăn, 2 muỗng súp nước lọc, 1 mcf hành tỏi băm. Hành tây cắt sợi, củ sắn cắt hạt lựu vắt ráo. Phi thơm 1 ít hành tỏi băm, cho thịt vào xào lửa lớn, thịt xăn cho hành tây, củ sắn vào xào chín, tắt lửa, cho pate gan, lòng đỏ trứng, tiêu sọ, bột mì, hành phi vào trộn đều, để nguội cho vào ngăn mát 30’.

Tạo hình

- Mâm thoa dầu, lót lá bột  thứ nhất, quét lòng trắng trứng, cho nhân vào giữa. Lá bột thứ 2 kéo cho hơi cong, úp lên viên nhân, ấn nhẹ xung quanh vành bánh. Dùng khuôn tròn nhỏ ấn nhẹ lên mặt bánh để lộ rõ nhân. Dùng kéo cắt chữ v trên mặt bánh, quét lòng đỏ trứng lên bề mặt bánh.

Nướng

- Cho vào lò nướng 180-200 0C. TG: 20-25’, 2 lửa

Lợn cắp nách SaPa

 

SaPa ! Tôi muốn ôm cả núi. Tôi muốn ôm cả trời. Tôi muốn ôm cả Sapa với núi non hùng vĩ, với những ruộng bậc thang đẹp lạ cùng với sự mộc mạc của không gian, bản làng và của người dân tộc nơi đây. Thoang thoảng đâu đó hương lúa chín, hương của đất, hương của trời. Những áng mây mềm mại, bồng bềnh trên các đỉnh núi SaPa như mời gọi giấc mơ lên đến trời cao, được vuốt ve, được nô đùa thỏa thích. Dường như chỉ một bước chân nữa thôi tôi có thể chạm đến sự giao thoa tuyệt vời nhất của đất trời.

 

Buổi tối nơi đây sương khói mờ nhân ảnh. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được vẻ đẹp mơ mơ hồ hồ lành lạnh liêu trai rõ ràng đến thế. Cứ tưởng chừng mình sẽ bị nuốt chửng trong lớp sương mù dày đặc đó nhưng rồi những ánh đèn lập lòe từ những hàng quán 2 bên đường đã dẫn lối tôi thoát khỏi sự nuốt chửng ấy. Hay nói đúng hơn đó là sức mạnh, sự mời gọi đầy tính thuyết phục của ẩm thực Sapa đã giúp tôi tạm thời thoát khỏi cơn say cảnh đẹp nơi đây.

(Lợn cắp nách xào lăn thơm mùi xã, lá chanh)

Đến với SaPa là đến với lợn cắp nách thịt săn chắc không đâu sánh bằng. Lợn cắp nách ở đây là lợn đen và ám chỉ đó là lợn con. Ăn một miếng lợn cắp nách Sapa xào lăn thì hỡi ơi tội nghiệp heo sữa Sài Gòn. Tại sao lại có sự cách biệt đến như vậy? Lần đầu tiên tôi có thể mạnh dạn gắp một miếng thịt có cả da, mỡ và thịt. Tỉ lệ 3 phần hoàn toàn hoàn hảo, không quá mỡ, không quá thịt, lại thêm sự giòn sựt của da lợn, cộng với tài nấu nướng của quán này rất hợp khẩu vị của tôi làm cho món lợn cắp nách này trở nên đáng giá. Ngoài ra SaPa còn có những đặc sản riêng biệt khác như gà bản, cá suối, cá tầm, cá hồi,  su su chấm muối vừng, …Món nào cũng khẩu vị lạ. Cuộc đời có bao nhiêu mà hững hờ.

 
(Thịt xiên nướng buổi tối: thịt heo cuộn nấm, thịt bò cuộn cải mèo, chân gà, bao tử, phèo, đậu hũ thúi, cá, chim, khoai lang, trứng gà…)

(Sốt chấm thịt nướng là hỗn hợp xì dầu, ớt bột, gia vị và hạt tê. Mùi  vị rất đặc biệt)


(Su su luộc chấm muối vừng)                                           (Cá suối chiên giòn)

(Gà bản kho gừng)


(Cá tầm nấu măng)                               (Cá tầm rất nhiều sụn, đặc biệt là lõi sụn ở giữa)

(Phở rau với cải mèo, cà chua, hành tây)                     (Rau ăn kèm phở có húng và lá chua)

Một số cảnh đẹp khác ở SaPa:

(Hoa găng)                                                                               (Suối Mường Hoa)

(Táo SaPa)

(Hạt dẻ rừng)                                                                           (Người dân tộc H’Mông)

 

 

Uraetei

Đến  Uraetei vào một buổi tối mưa lất phất. Ánh đèn vàng dìu dịu ấm áp lan tỏa cả không gian. Tạm quên đi những trăn trở. Quên đi những ước mơ còn bỏ ngõ. Quên đi con đường hầm không ánh sáng. Chỉ còn ta với bạn! Chân thật, sâu đậm, sẻ chia. Ánh mắt ta như điên dại khi nhìn thấy bạn lần đầu tiên. Môi ta run rẩy khẽ chạm vào bạn. Cảm xúc trào dâng như  sóng cuôn. Rồi chuyện gì đến cũng  phải đến…Mãnh liệt. Sục Sôi. Máu lửa. Hạnh phúc. Và sung sướng. Ôi! một tình yêu thật “ngon lành” nhưng có cái “giá” của nó!

Thịt bò nướng

Thịt heo và mực lăn bột chiên

Cơm trộn và đậu nành Nhật

Cheese Pancake và bắp cải trộn

Lẩu Kim Chi

 

Trái cacao

Mỗi lần về quê lại thấy vườn chú trồng thêm những giống cây mới. Có lúc thì nhãn, chuối , chanh, bưởi. Có lúc lại thêm mít, sầu riêng. Đợt này mình về, lại xuất hiện cây cacao. Nhiều lần thấy trái ca cao bán tại ngã ba Trung Lương mà chưa có dịp sờ, mó, ngửi, nếm nó. Nay thật là mãn nhãn .

 

Nhìn trái ca cao lủng lẵng trên cây thấp lè tè ngang vai trông giống như là đồ bằng mủ được dán dính vào thân cây. Lá ra đằng lá mà trái ra đằng trái. Màu sắc trái biến đổi từ xanh, nâu đỏ, vàng rồi tới cam. Màu cam thì trái đã chín rồi đấy có thể lấy vào dằm đá đường mà xơi. Vị của trái rất ngon, chua chua ngọt ngọt, lại hơi có mùi xoài. Nhưng đáng tiếc trái không có nhiều thịt mà chủ yếu là hạt. Nên chỉ có thể ngậm một chút cho vui vậy thôi. Điều đặc biệt là người ta sẽ lấy hạt này để làm cacao và chocolate. Lúc còn sống như thế này, ta không thể ngửi được vị ca cao trong hạt đâu. Phải xử lí ủ  lên men cho hạt chuyển sang màu nâu, sau đó phơi khô một thời gian thì hạt mớt bắt đầu có vị ca cao.

 

Mình cũng thật may mắn vì có cơ hội được thấy tận mắt cây ca cao. Có lẽ lần sau về quê sẽ không còn thấy chúng trong vườn chú vì hiệu quả kinh tế không cao. 1 kg mà chỉ bán được 3000 đồng còn thua cả bán chanh. Tưởng ca cao thì giá phải cao? Tội người làm vườn.

 

(Hạt cacao)

 

 

 

Phóng diệm khẩu

Tôi không thuộc túyp người mê tín dị đoan nhưng cũng không có tư tưởng bài trừ. Dạng người ở lưng chừng trời, dò dẫm, quan sát, suy nghĩ, đánh giá xem có hay không những vấn đề siêu nhiên, tâm linh? Tại sao phải bài trừ khi mình thật sự không biết rõ vấn đề vì tầm nhìn và kiến thức còn quá hạn hẹp? Nói trắng ra chúng ta giống như một vi sinh vật siêu siêu nhỏ so với vũ trụ bao la huyền bí này, chỉ quanh quẩn trong cái thế giới của mình và  tin tưởng những gì nhìn thấy trong thế giới ấy mà thôi. Thế việc có hay không có những hồn ma vất vưởng hay còn gọi là cô hồn là một câu hỏi khó mà giải đáp. Người nào đã thật sự thấy ma? Ma trông như thê nào? Liệu có phải là ma hay do trí tưởng tượng của họ tạo thành?

 

Khi tôi còn nhỏ, những câu chuyện ma cứ lan truyền rỉ rả khắp nơi. Rằng ở sân sau nhà trẻ mẫu giáo gần nhà có ma vì còn 2 ngôi mộ ở đó. Tuy hơi sợ nhưng cả đám học sinh lớp 4 chúng tôi vào một ngày đẹp trời đã rủ nhau chơi cầu tuột và bập bênh trong nhà trẻ. Không hiểu vì lí do gì mà một bạn đang chơi cầu tuột tự nhiên môi bị bật máu. Điều quan trọng là đương sự khẳng định không bị va chạm với bất cứ cái gì. Nói thế ai mà tin phải không? Đó là câu chuyện của người bạn đấy. Khó mà hiểu tận tường để mà cảm. Chỉ có mình mới  hiểu rõ được chính câu chuyện của mình. Số là cũng trong buổi đi chơi hôm đó tôi đang bước đi trên các bật thềm gạch, không ai đụng, không bị mất thăng bằng, đường không trơn mà tự nhiên bị té ngửa, đập đầu  ra đằng sau, tới bây giờ mà vết thẹo ấy vẫn còn. Nghĩ mãi vẫn không tài nào hiểu nổi lí do mình bị té như thế nào. Từ đó về sau tôi không bao giờ ghé chơi ở trường mẫu giáo đó nữa. Cũng có thể đó là một tai nạn bình thường nhưng 2 tai nạn  xảy ra liên tiếp mà không xác định được nguyên nhân cũng đủ khiến cho chúng tôi hoang man, sợ hãi và việc liên tưởng đến một thế giới tâm linh là một điều không tránh khỏi.

 

Quả thật sự tồn tại của thế giới oan hồn là một  bí ẩn. Nhưng nó đã và  đang hiện hữu trong tâm thức và niềm tin của mỗi người từ thuở nhỏ dù ít hay nhiều. Vì vậy mới xuất hiện phong tục cúng cô hồn hay phóng diệm khẩu vào ngày  2 và 16 âm lịch mỗi tháng và ngày rằm tháng bảy- tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Ngoài ra, phong tục này còn giúp mọi người  tăng thêm niềm tin vào sự bình yên trong cuộc sống, gia đình, công việc, không bị bất cứ ma quỷ nào quấy phá. Nếu vào mùng 2 và 16 mỗi tháng, mọi người thường có thói quen cúng gà, vịt hoặc heo thì vào dịp tháng 7 tập tục Việt  Nam thường có thêm những món đặc biệt khác như cóc, mía, bánh trái, kẹo, đậu phộng…Vui nhất là cảnh bọn trẻ hàng xóm  xúm vào để giật lễ vật cúng. Tôi thích phong tục này. Dù tin hay không tin chuyện hồn ma bóng quế  thì với một mâm lễ vật đầy thức ăn đủ làm thực khách cảm thấy bình yên. Thôi thì trước cúng sau ăn. Âm dương đều hưởng lộc.Tội gì mà không phóng diệm khẩu chứ!

Powered by WordPress | Designed by: Best SUV | Thanks to Toyota SUV, Ford SUV and Best Truck