Ngọn lửa ‘bánh chưng’

Đã là người Việt Nam thì không ai lại không biết bánh chưng- một loại bánh có lịch sử lâu đời trong truyền thống ẩm thực Việt Nam. Hễ đến tết là thấy nhà nhà có vài cặp bánh chưng,  không tự tay làm thì cũng được biếu tặng hay đặt mua ở đâu đó cho hương vị tết thêm đậm đà.

Bánh ăn một mình thì có vẻ hơi ngán nhưng nếu biết kết hợp ăn chung với những món khác như thịt kho tàu, chà bông, tôm khô củ kiệu, khô bò xé sợi, phá lấu hay củ cải mặn thì vô cùng tuyệt hảo. Nước ta có cái dở là ít truyền bá món bánh quê hương này ra thế giới nên cũng ít ai biết đến. Thế mà mới cách đây mấy ngày chỉ với một ngọn lửa văn hóa Việt đã thiêu cháy rụi căn nhà của một gia đình gốc Việt và một nhà bên cạnh tại thành phố Seattle, bang Washington của Mỹ do nấu bánh chưng. Ngay lập tức món bánh này trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ. Tội thì đã rành rành không thể tha thứ nhưng vẫn thấy  thương. Dù ở nơi đất khách quê người nhưng người Việt bao giờ cũng nhớ tới quê nhà, tới văn hóa, tới ẩm thực, tới truyền thống Việt Nam. Thật đáng quí biết bao tấm lòng đó!

Nhà tôi không có thói quen nấu bánh chưng vào dịp tết nhưng cứ mỗi lần đi ngang đầu xóm thấy nồi bánh chưng đen thùi lùi của các cô chú hiên ngang bập bùng giữa phố, mắt tôi không thể rời đi được. Chợt ấm lòng vì may quá cái cảm giác tết truyền thống ấy vẫn còn một chút đọng lại dù không bằng cái thuở xác pháo đỏ hồng khắp đường. Mùi nhang đèn, mùi pháo đặc sệt lưu huỳnh, khói trắng đen nghi ngút lan tỏa, hòa quyện làm không khí tết rất linh thiêng, rất Việt Nam. Thế hệ 8x trở về trước thì dù có già nhưng còn có cái phúc nếm trải được hương vị thực sự của tết truyền thống. Chỉ tội mấy em 9x bây giờ. Làm sao có cơ hội được hít thở cái không khí ấy. Tội quá! Cái tội của các em ấy là không biết mình đã bị ai đó tước đoạt đi cái quyền gì. Văn hóa truyền thống càng ngày càng mai một.

Thôi thì còn giữ được gì thì cố gắng gìn giữ. Trước nhất là phải giữ gìn cái bánh chưng cái đã. Việc này thì cũng đâu có gì mà khó chỉ cần mỗi phường, mỗi quận  tổ chức ra cuộc thi gói bánh chưng hằng năm là bảo đảm các chị, các cô sẽ chạy đua nhau mà học hỏi, thi thố tài năng, vừa vui, xóm giềng gần gũi mà vừa giữ được văn hóa truyền thống nước nhà. Còn gì bằng?

 

 Nguyên liệu

- 1kg nếp ngon, 400g đậu xanh, 500g thịt nạc ba chỉ nhiều nạc

- 100g củ hành tím, 1mcf tiêu, 1mcf tiêu sọ

- Gia vị: đường, ngũ vị hương, nước mắm

- Lá dong, khuôn bánh chưng, dây cột

 

Thực hiện

+ Chuẩn bị

- Nếp vo kỹ với muối, ngâm trong nước có muối( tỉ lệ 1kg nếp: 2muỗng súp muối) từ 6-8h -> đổ ra rổ cho ráo. Trộn 1,5mcf muối + 2/3 chén nước lá riềng (tạo màu xanh và mùi thơm đặc trưng làm cho nếp xanh từ trong ra ngoài).

- Đậu xanh nấu chín tán nhuyễn. Phi vàng một ít hành tím với dầu ăn hoặc mỡ heo -> trôn vào đậu nêm lại cho hơn măn mẳn -> chia phần.

- Thịt ba chỉ cắt khối vuông, ướp gia vị 1mcf muối, 1mcf tiêu xay, 1 mcf tiêu sọ đập dập, ½ mcf ngũ vị hương, ¼ mcf bột đinh hương, 4 mcf nước mắm, 100g hành tím đập dập (không băm) -> đậy kín để ngăn mát 1 ngày.

- Lá dong rửa sạch, trụng nước sôi hoặc phơi là cho héo, gọt bớt song lá, cắt thành miếng có chiều dài bằng 2 lần cạnh khuôn vuông trừ 0,5 cm, lau sạch.

- Dây lạt ngâm nước cho mềm

 

+ Gói bánh

- Lá dong xếp đôi theo chiều sóng, rồi xếp lại làm 4, hạ góc nhọn bên trong cho nằm trên cạnh sóng lá -> tạo thành góc vuông.

- Xếp 4 góc vuông vào khuôn,  lớp ngoài mặt xanh đậm xoay ra ngoài,  lớp trong mặt xanh đậm quay vô trong. Chèn lá thừa vào 4 góc.

- Cho nếp vào 1/3 khuôn, cho ½ phần đậu -> đè dẹp, đặt thịt lên trên mặt nếp, xếp thịt, cho ½ phần đậu còn lại lên trên, cho nếp phủ kín (nhân không được chạm lá) -> đậy 1-2 lớp lá thừa lên trên, xếp các cạnh, giữ chặt mối, rút khuôn, cột dây. Úp 2 mặt chính của 2 bánh lành từngại với nhau tạo thành từng cặp.

- Lót lá thừa vào đáy nồi, xếp bánh vào cho chật nồi, đổ nước lạnh vào ngập mặt bánh, nấu 8 giờ, nước cạn thì châm nước sôi vào.

- Bánh nấu chín vớt ra rửa sạch nhựa. Ngâm nước lạnh 30’- 1 giờ (giúp cho bánh bóng) -> vớt ra, đặt lên mặt phẳng, dùng vật nặng đè lên trên, ép 1 đêm cho bánh ra nước.

Ghi chú:

Nếu nấu nồi áp suất thì nấu 2 tiếng, tắt lửa để 30’ mới mở nắp.

 

 

Both comments and pings are currently closed.

Comments are closed.

Powered by WordPress | Designed by: Best SUV | Thanks to Toyota SUV, Ford SUV and Best Truck