Christmas Ginger Bread House

 

Không khí mùa Noen mang một hương vị rất đặc biệt. Thật khó mà diễn tả hết bằng lời nói cái cảm giác ấy như thế nào. Hân hoan, rạo rực cũng có. Linh thiêng, thần thánh  cũng có. Đong đầy cùng niềm vui sướng được chiêm ngưỡng cảnh đẹp trang hoàng hoa lệ của thành phố, xen kẽ cảm giác trống trải, buồn mang mác cũng có.

Noen là thời khắc mà người hạnh phúc luôn cảm thấy hạnh phúc nhất và người bất hạnh thì bất hạnh đến cùng cực. Tất cả các cảm giác ấy hòa vào nhau tạo thành một công thức hương vị độc nhất cho ngày Giáng Sinh.  Dù hạnh phúc hay bất hạnh thì ai cũng khao khát được sum vầy, được chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng gia đình và bạn bè dưới một mái nhà trong ngày Chúa sinh ra đời. Ở Việt Nam có lẽ sự cảm nhận về hình ảnh một ngôi nhà trong ngày Giáng Sinh không được sâu sắc cho lắm. Nhưng ở các nước phương Tây thì lại khác. Mùa này đang là mùa đông lạnh lẽo và tuyết rơi trắng xóa phủ đầy từng ngọn cây, gốc phố. Được vui vẻ ăn một bữa cơm cùng với gia đình trong một ngôi nhà ấm áp mặc cho thời tiết  khắc nghiệt ngoài trời là khoảng thời gian an bình nhất.

Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi chiếc bánh ngôi nhà Giáng sinh làm tôi thích thú đến thế. Khoảnh khắc tôi nhìn thấy ngôi nhà bánh ấy, tôi đã cảm nhận được ngay không gian an lành tràn ngập. Điều quan trọng đây không phải là một ngôi nhà được tạo từ nguyên liệu thông thường mà là ngôi nhà ấm áp với vị gừng cay cay. Thầm ngưỡng mộ người sáng tạo ra chiếc bánh này vô cùng. Anh ấy chắc hẳn là người rất sâu sắc, tình cảm và ấm áp. Chỉ với hình ảnh một ngôi nhà đã nói lên tất cả ‎ý nghĩa quan trọng nhất trong ngày  linh thiêng này. Giáng sinh an lành!

 

P/S: Bánh này chủ yếu dùng để trưng bày chứ ăn thì không ngon đâu nhé.

 

+ Nguyên liệu

- Bánh: 250 g mật ong, 2 trứng, 150g bơ, 170g đường xay, 670g bột mì số 11, 4 mcf baking soda, 1 mcf bột quế, 1 mcf bột gừng, ½ mcf bột đinh hương, ½ mcf bột nhục đậu khấu, ½ mcf bột thảo quả, ¼ mcf muối.

- Keo dán: 300g đường xay, 1 lòng trắng trứng, 20g nước chanh.

 

+ Thực hiện

- Bột:

  • Bột mì, baking soda, bột gừng, quế, đinh hương, thảo quả, nhục đậu khấu, muối, tất cả trộn đều ray mịn.
  • Bơ, đường xay đánh đều sáng màu, cho trứng và mật ong vào đánh đều. Cho hỗn hợp bột vào từ từ đánh đều.

- Tạo hình:

  • Dùng giấy cứng tạo rập khuôn cho ngôi nhà bao gồm 2 mái nhà, 2 vách chín và 2 vách hông với tỉ lệ cân đối.
  • Bột sau khi đã hoàn thành cán mỏng 2-3mm. Đặt rập khuôn lên phần bột lên cắt, sau đó gỡ bỏ phần thừa.

- Nướng:

Dùng tăm xăm đều bột cho vào lò nướng 1800C, 15-20 phút. Bánh nướng chín để thật nguội.

- Keo dán:

  • Lòng trắng trứng đánh tan , cho đường xay vào + nước chanh đánh đều. Cho ngay vào túi bắt kem buộc lại.
  • Dùng keo dán để ráp các mảnh bột lại với nhau tạo hình ngôi nhà. Gắn thêm bông đường trang trí.

 

Thảm họa Cupcake

 

Mọi người chắc đã từng biết đến nhiều thảm họa như thảm họa động đất, núi lửa, sóng thần; thảm họa thời trang …nhưng thảm họa cupcake thì khó ai có cơ hội nghe đến. Thế mà tôi lại được trải nghiệm cảm xúc “rất thảm họa” ấy cách đây đúng 1 năm.

Đó là một cảm giác có thể gọi là ‘nhục như con cá nục’ mà không biết độn thổ đi đâu. Hăm hở làm một mẻ bánh cupcake ăn mừng sinh nhật thằng cháu 2 tuổi với niềm tự hào, sự hãnh diện vô bờ bến vì sự sáng tạo, sự đẹp đẽ của các chiếc bánh do chính tay mình bắt bông kem và trang trí. Do quá chú tâm dành thời gian cho việc trang trí bánh mà quên mất rằng mình chưa được học công thức hoàn chỉnh làm bánh cupcake mà chỉ chấp nối công thức của những chiếc bánh khác và biến tấu nó thành bánh cupcake. Những chiếc bánh được chuyển đến bữa tiệc trong sự hân hoan tột đỉnh với ‎ý nghĩ rằng ”chắc hẳn sẽ có nhiều người khen ngợi tài năng của mình đây, hahahaha”. Sau đó do bận một số việc nên đến tận tiệc gần tan mình mới tới tham gia. Lúc ấy, mình vẫn chưa nhận ra bất cứ sự bất thường nào, vẫn vui vẻ mời mọi người ăn bánh, vẫn khoe mẽ là bánh này do mình làm. Mọi người cũng vui vẻ, cũng cười cười. Cho tới khi mọi người về gần hết, mình mới ăn một cái bánh. Lớp ngoài trông có vẻ ổn nhưng khi ăn càng vào giữa thì hỡi ơi có một vị đắng đắng hăng hăng lạ kì xuất hiện. Đứng hình trong vòng 1 phút… Ôi lạy chúa tôi! Thảm họa! Thảm họa cupcake! Chợt nhớ những chiếc bánh còn ăn dang dở để trên bàn và cái vẻ cười cười của mọi người lúc nãy…Đầu óc tôi choáng váng. Cái mặt không biết để vào đâu. Tối đêm đó nằm ngủ vẫn còn mơ đến những chiếc bánh nhục nhã ê chề. Cái cảm giác ấy cứ quanh quẩn theo tôi đến tận 2 ngày sau. Cuối cùng tôi cũng phải tự trấn an mình rằng ai cũng có lúc phạm phải sai lầm. Huống hồ bánh của mình rất đẹp. Dù sao mình cũng là người có óc sáng tạo: có hoa, có cỏ, đu đủ, bắp, chuột, chim cú, gấu trúc, rùa, cánh cam, sỏi đá…Lớp kem thì làm đa dạng hương vị như trà xanh, chocolate, ổi…Thảm họa nhưng là một tuyệt tác thảm họa.

Thật lạ là bài học mà tôi nghiệm ra sau thảm họa cupcake này không phải là việc không được chủ quan  khi làm bánh hay cần nâng cao tay nghề làm bánh ngon hơn mà phải học cách đối diện với thất bại. Khi thất bại chúng ta thường không dám đối diện với bản thân và những người xung quanh, lại bị bó buộc tù túng trong những suy nghĩ cực đoan, tiêu cực, không lối thoát. Mỗi lần họ nhìn vào mình cứ như là cứa vào vết thương đau càng thêm đau. Thôi thì mặc kệ, thiên hạ muốn nghĩ gì thì tùy. Cứ tìm một điểm sáng trong cái hang tối đó mà hướng tới nó, mà giải phóng cho cái tâm trí nặng nề để tìm lối thoát cho bản thân.

 

Disneyland Hong Kong

 

Tôi không thích trẻ em xem các bộ phim hoạt hình ngày nay. Các nhân vật đều có hình dạng kì quái, méo mó, bạo lực, hở hang, kinh dị không giống những nhân vật dễ thương, đáng yêu, mang tính giáo dục cao của các bộ phim hoạt hình Walt Disney ngày xưa như  Công chúa ngủ trong rừng, Nàng tiên cá, Bạch tuyết và bảy chú lùn, 3 chú heo, Chuột Mickey, Thỏ và rùa…Các nhân vật ấy đã làm tuổi thơ của tôi đẹp và diệu kỳ biết nhường nào.

Những tưởng kí ức tuyệt vời đó đã trôi đi một cách vô tình. Ấy vậy mà khoảnh khắc ấy chợt sống lại trong tim khi tôi bước chân đến công viên Disneyland ở Hong Kong. Cuộc sống lo toan, ồn ào, xô bồ, căng thẳng bên ngoài dường như  nhường lại cho thế giới cổ tích lung linh này. Bong bóng xà phòng bay khắp nơi làm không gian trở nên kỳ ảo, huyền dịu. Tôi đang lạc trong  vương quốc ngày xửa ngày xưa. Từ kiến trúc những ngôi nhà cho đến cuộc trình diễn của các nhân vật hoạt hình, mọi thứ làm tôi chìm đắm. Đôi khi con người ta thèm khát cuộc đời mình cũng đẹp như trong chuyện cổ tích. Công chúa gặp được hoàng tử sau những thử thách chông gai và sống hạnh phúc mãi về sau. Dù biết đó chỉ là giấc mơ nhưng con người không biết mơ tưởng thì không thể tồn tại trong thế giới trần trụi, thô tục này. Nơi mà cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi hoàng tử và công chúa đến với nhau. Một cuộc sống của cơm áo gạo tiền, của những lo toan, đấu đá, căng thẳng để sinh tồn, của bệnh tật, mất mát… Đâu đó vẫn ánh lên vài điểm hồng nhưng chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi.

Có một câu nói rất hay: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Hãy đếnDisneyland– HongKong để tận hưởng khoảnh khắc cổ tích, đẹp như mơ. Dù mai sau có ra sau thì ra nhưng ít nhất ta đã từng sống những ngày tháng huy hoàng.

 

 

 

 

 

Muốn sống thì phải kiếm ‘chuối’

 

Ai cũng thừa biết công dụng lợi hại của cây chuối trong việc cung cấp nguồn thức ăn bổ dưỡng  cho con người và có thể tận dụng gần như triệt để tất cả  các bộ phận của cây như trái chuối, bắp chuối, thân chuối, lá chuối, thậm chí cả hột chuối…  Điều đặc biệt, chuối vừa đa dạng chủng loại, vừa dễ dàng chế biến ra vô số các món ăn ngon, vừa rẻ mà vừa ít sợ các hóa chất độc hại như những loại trái câykhác. Có thể nói nơi đâu có chuối thì nơi đó có sự sống.

Tại sao tôi lại tự tin nói như vậy? Xin thưa, ngoài những chức năng đã được biết trên đây thì cây chuối còn có một công dụng rất vĩ đại mà  ít ai biết. Đó là cứu sống con người trong cuộc sống sinh tồn tự nhiên. Nếu giả bạn bị lạc ở một nơi hoang dã mà không có sông suối thì điều ưu tiên hàng đầu cho sự sống sót không phải là vàng SJC, đô la Mỹ hay kim cương lấp lánh của Mr. Đàm mà là nước, nước và nước. Đừng nghĩ ngợi nhiều. Hãy nhanh chóng lùng sục xem xung quanh bạn có cây chuối nào không vì có chuối thì sẽ có nước.

Cách lấy nước từ cây chuối cũng rất dễ dàng. Đốn ngã cây chuối và chừa gốc cây khoảng 30 cm. Sau đó khoét một lỗ ở giữa tức thì nước sẽ nhanh chóng lấp đầy lỗ khuyết ấy. Nước lúc đầu tiên sẽ hơi có vị đắng nhưng dần sau đó vị nước sẽ dễ chịu hơn. Gốc cây sẽ cung cấp đủ nước cho bạn trong vòng 4 ngày.

(WWW.GIFTDEP.COM- Shop quà tặng, đồ gia dụng online cực xinh)

Chuối thật là món quà kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng. Ấy vậy, mà cứ hễ chê bai vật gì, việc gì hay người gì thì mọi người cứ lôi chuối ra mà chửi. Thằng đó ‘chuối’ muốt chết. Làm ăn như củ ‘chuối’…Vâng vâng và vâng vâng. Tư tưởng và ngôn ngữ hết sức sai lầm. Nếu được chọn vua của loài trái, tôi xin vote cho ‘chuối’.

Cùng dạo một vòng ẩm thực ‘chuối’ xem nào!

 

(Chuối hấp)                                                                     (Chuối nếp nướng)

 

(Bánh chuối nướng kiểu phương Tây)          (Chè chuối)

 

(Bánh chuối nướng Việt Nam)                                (Chuối chiên)

 

(Chuối ngào đường)                                                           (Kem chuối)

 

(Chuối ép)                                                                (Chuối nhúng chocolate)

 

(Cookie chuối)                                                               (Crepe chuối)

 

(Chả giò chuối)                                                                       (Flambe chuối)

 

(Ốc nấu chuối)                                                          (Gỏi bắp chuối)

(WWW.GIFTDEP.COM- Shop quà tặng, đồ gia dụng online cực xinh)

Du hí thế giới “gốm”

 

Chỉ cần 10.000 VND, tôi có thể chạm tay vào đất sét, thỏa sức trải nghiệm cảm giác ‘vuốt -vẽ -nặn’ gốm tại làng gốm Bát Tràng cách Hà Nội khoảng 20km. Nhìn thấy các nghệ nhân làm gốm dễ dàng như thế nhưng khi trực tiếp làm thì mới thấy không phải tay ngang nào cũng có thể làm được. Ta phải dùng lực tay thật mạnh  xoay bàn xoay để tạo đà cho việc tạo hình đất sét. Sau đó phải nhẹ nhàng dùng ngón tay cái nhấn vào giữa cục đất sét tạo một khoảng không gian trống ở giữa. Tiếp đến dùng tất cả các ngón tay còn lại khéo léo vuốt thành bột tạo hình cho sản phẩm. Đừng tưởng bở, vuốt  một hồi cục đất sét ban đầu trong tay tôi cũng trở lại thành một cục như thuở nào. Nếu không có sự giúp sức của chuyên gia, chắc cái thành phẩm xấu xí của tôi  không thể nào hoàn thành. Hú vía! dù xấu xí nhưng ít ra tôi vẫn có thể tạo ra một tác phẩm có hình hài.

 

Để có được một sản phẩm gốm hoàn chỉnh thì cần rất nhiều công đoạn. Đại khái là khi xong giai đoạn tạo hình thì tới giai đoạn nung sơ bộ cho sản phẩm khô cứng lại trước khi vẽ vời trang trí màu sắc. Giai đoạn này mất khoảng 2-3 tiếng. Sau khi vẽ hoa văn xong, ta đem sản phẩm đi tráng men. Cuối cùng phải được nung tiếp trong lò thêm mấy ngày nữa  thì mới có được sản phẩm hoàn chỉnh với màu sắc sống động và men gốm bóng bẩy. Rất tiếc không có nhiều thời gian để chờ đợi nên tôi chỉ tạm dừng ở giai đoạn nung gốm sơ bộ và đem về nhà với một sản phẩm thô làm kỷ niệm. Dù thích thú với việc trải nghiệm tạo hình gốm và được chiêm ngắm các tuyệt tác gốm mang đậm phong cách Bát Tràng nơi đây, nhưng tôi  khá hụt hững khi tham quan làng gốm nổi tiếng này. Nó quá nhỏ và đã bị nửa tân thời so với trí tưởng tượng của tôi. Tất cả những gì tôi thấy là những sản phẩm gốm đang thương mại hóa và những hàng quán thức ăn lổn nhộn bên ngoài. Cảm giác mất đi cái tính chất “làng”, cái “truyền thống” vốn có nơi đây.

 

Ngoài ra, cái mà làm tôi phải liếc mắt đến là thức ăn lề đường mà họ bán nơi đây khá là giống nhau. Bên cạnh trứng gà và xúc xích nướng thì quán nào cũng bán một loại bánh dài, có cuốn lá bên ngoài trông rất lạ. Hỏi ra mới biết đó là bánh tẻ. Ăn hơi giống bánh giò nhưng bột thì dai và cứng hơn bánh giò và đươc làm từ gạo tẻ. Còn nhân là hỗn hợp thịt heo và nấm mèo. Lá cuốn bên ngoài là lá dong. Nhìn chung thì cũng tạm lấp được cái bao tử  dù  không lạ miệng lắm.

 

Rời làng gốm Bát Tràng mà trong lòng vẫn chưa thỏa mãn. Lạ một điều nơi làm tôi thỏa mãn lại là một cửa hàng gốm sứ  Thành Đồng trên đường đi Vịnh Hạ Long. Thành phẩm có, bán thành phẩm có, lò nung có, máy trộn đất sét có… Thật là mãn nhãn trong thế giới gốm! Chợt nhớ cái thời làm đề tài chiến dịch quảng cáo bộ sản phẩm  Chim Lạc cho gốm sứ Minh Long. Cũng lặn lội đi điều tra, nghiên cứu tận Bình Dương, cũng ngỡ ngàng, thích thú trong không gian gốm. Nghĩ mình cũng có duyên với “gốm”.

Gốm sứ Thành Đồng:

 

 

 

 

Gốm sứ Minh Long:

 

 

 

Powered by WordPress | Designed by: Best SUV | Thanks to Toyota SUV, Ford SUV and Best Truck